Cứ gì mình

Thơ xuân

Một mùa hè Montréal

Thế hệ X

Trà dư tửu hậu

Chuyện tầm phào

Chớm thu

Sống và chết

Chuyện chó

Ta đã làm chi đời ta

Bên ngoài sân cỏ

Cho

Đồng

Hanoi

Lồng

Mới

Tiếc

Trăm

Trầu

Nhớ

Oan

Giấy vệ sinh

Từ chuyện Cô vi

Lại chuyện Cô vi

Sẹo BCG

Tonton Mỹ

Tuyến đầu

Cám ơn

Mũ áo xênh xang

Anh thư

Cắt tóc mùa dịch

Xi-nê ngoài trời

Nóng

Hứa

Câu

Bum

West Point

Cà Cuống

Chân dài

Harris ở Montréal

Karaoke

Các bà Phần Lan

Cabane à sucre

Xe lửa

Ông địa

Rượu đế

Tháng tư nghĩ về sách Sàigòn cũ

Tình Nguyện Viên

Phở Dậu

Tôm hùm

Dầu gió

Đô la đỏ

Lương khô

Đi gặp Nguyễn Trãi

Tiến sĩ giấy

Vịt

Cứ tưởng bở

Cu Tin

Mày - Tao

Răng khểnh

Bên lề tổ tôm

Khai bút

Tuyết ơi là tuyết

Nhạc chế

CU TIN

Napoleon Bonaparte mà các cụ ta xưa phiên âm thành Nã Phá Luân, chắc ai đã cắp sách tới trường đều biết. Ông này văn võ toàn tài, rất thích chinh chiến và đã tạo được nhiều chiến công hiển hách, trở thành hoàng đế của Pháp. Ông đã mất được 201 năm, vào năm 1821, tại đảo Ste. Helène, nơi ông bị lưu đầy từ tháng 10 năm 1815. Trước đó ông đã bị lưu đầy tại đảo Elba của Ý nhưng đã vượt ngục, tập họp quân đội và cố gắng chinh phục Âu Châu một lần nữa. Ông làm mưa làm gió ở Âu châu trước khi bị quân Anh và Phổ đánh cho xất bất xang bang dẫn tới thất bại thảm thương trong trận Waterloo vào năm 1812.

https://afamilycdn.com/150157425591193600/2021/6/22/na-7-1624357723077918499358.jpg
Napoleon.

Sống đã tạo sóng gió tại châu Âu, chết cũng nhiều chuyện mà lịch sử phải ghi lại. Ông mất vì bệnh ung thư dạ dày, giống như cha ông. Có giả thuyết nói ông bị đầu độc từ từ bằng thạch tín. Điều này để các sử gia lo, chúng ta nói chuyện khác. Khi ông trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, 17 người có mặt trong đó có 7 bác sĩ người Anh, 2 hầu cận của ông, linh mục Vignali, người đầy tớ Ali và bác sĩ riêng của ông tên Francesco Antommarchi. Bác sĩ Antommarchi đã giải phẫu tử thi, cắt bỏ gan ruột, thả vào bình rượu ethylic để nghiên cứu sau. Thừa lúc đám đông hỗn loạn không chú ý, bác sĩ Antommarchi tiện tay cắt phăng dương vật của tử thi và giấu đi.

Dương vật được ông bác sĩ giao cho linh mục Ange Vignali cất giữ. Vị linh mục đã mang về đảo Corse, quê hương của Napoleon. Khi linh mục Vignali qua đời, của quý của người tạo giông bão tại Âu châu đã được trả lại cho gia đình Napoleon. Họ cất giữ tới năm 1916, gần một trăm năm sau ngày Napoleon mất. Dương vật sau đó vào tay ông Charles-Marie Gianettini, cháu của linh mục Vignali.

Chuyện ly kỳ về 'cậu nhỏ' của vị hoàng đế nổi tiếng nhất lịch sử Napoleon: 3 chìm 7 nổi 9 lênh đênh rồi để lại cho hậu thế bí ẩn khó giải - Ảnh 4.
Hộp đựng thứ được cho là dương vật của Hoàng đế Pháp Napoleon.

Ông này chắc có máu lý tài nên bán liền vào năm 1916 cho công ty bán sách và sưu tập Anh Maggs Bros. Ltd. có trụ sở tại London. Năm 1924, hộp đựng của quý được mô tả như “một đoạn gân được lấy từ cơ thể của Napoleon trong quá trình khám nghiệm tử thi”, được bán cho nhà sưu tập người Mỹ tên A.S.W. Rosenbach, ngụ tại Philadelphia với giá 400 bảng Anh. Ông tiến sĩ Rosenbach này rất tự hào khi làm chủ được “báu vật”. Đi dự tiệc hay hội họp ở đâu ông cũng khoe nhặng xị về chiến công này. Ông cho bảo tàng nghệ thuật Pháp “Museum of French Art” ở New York mượn trong một thời gian ngắn vào năm 1927 để trưng bày cho công chúng coi. Phóng viên báo Time tới coi và mô tả nó “như một chiếc dây cột giày da hoẵng bị co lại”. Một phóng viên khác lại cho nó trông giống như “một con lươn bị teo lại”. Thực ra vật thể này không được bảo quản tốt nên nhìn bề ngoài có vẻ chỉ hơi giống dương vật, xù xì như một miếng da thuộc.
Tiếp tục cuộc phiêu du, 23 năm sau, của quý của Napoleon được Tiến sĩ Rosenbach bán lại cho nhà sưu tập Donald Hyde. Sau khi Hyde qua đời, vợ ông lại bán cho nhà sưu tập John Fleming. Fleming bán tiếp cho Bruce Gimelson. Mua xong, Gimelson ký gửi nó cho nhà bán đấu giá Christie’s ở London. Người thắng trong cuộc đấu giá là bác sĩ tiết niệu John Lattimer. Cuối cùng, vào năm 1977, Lattimer quyết định chấm dứt hành trình di chuyển lung tung của cậu nhỏ này bằng cách giấu kín dưới gầm giường, không cho ai coi nữa. Nhà tiết niệu học Lattimer mất vào năm 2007, cậu nhỏ của Napoleon được bà Evan, con của Lattimer, cất giữ. Kể từ đó, không có tin tức chi thêm về bửu bối nho nhỏ của vị hoàng đế lừng danh của nước Pháp.

Thiệt chóng mặt với cuộc chu du hơn trăm năm của cậu nhỏ của ông vua danh vang khắp thế giới. Mà nhỏ thiệt. Bửu bối của Napoleon có kích thước chẳng đáng chi. Chỉ dài có 1,5 inch (3,8 phân). Thiệt đáng xấu hổ với một con người chọc trời khuấy nước. Trong cuốn Napoleon’s Private, tác giả Tony Perrottet tiết lộ: “Nó nằm trong một chiếc hộp da nhỏ, đã được sấy khô trong không khí, không dùng formaldehyde hoặc các hóa chất khác nên trông giống như miếng thịt bò khô”.

Tôi nghĩ chẳng nên mất nhiều thời giờ về thứ mà đàn ông ai cũng có, và có một cách hùng tráng hơn. Nhưng chính sự nhỏ thó bất thường của nó đã làm nên tính cách của Napoleon khiến thay đổi cả lịch sử. Vậy mới biết nó bé nhưng là thứ bé hạt tiêu cay nồng.

Không biết có phải vì kích thước khiêm nhường của cậu nhỏ không mà đời sống tình dục của Napoleon rất nản. Ông chiếm hạng bét trên giường chiếu. Thời lượng một cuộc mây mưa của ông rất chóng vánh. Đây là một bi kịch ám ảnh ông suốt cuộc đời. Bi kịch thêm…bi khi chỉ ở tuổi 42 ông đã…giã từ vũ khí. Đời sống của một quân vương lừng lẫy trên chiến trường khiến ông có rất nhiều phụ nữ say mê. Ông cũng đáp lại nhưng chỉ là những mối tình chay tịnh. Hai bà vợ của ông đều có một cuộc sống tình dục riêng với những người đàn ông khác. Sừng ông mang trên đầu chắc có số lượng không ít.

Thông thường anh đàn ông nào cũng muốn thể hiện mình như một người hùng. Hùng có nghĩa là chinh phục được phái yếu. Muốn vậy, kích thước của vũ khí là một yếu tố quan trọng. Ngay từ thời xa xưa, các nền văn hóa đều cho dương vật là sức mạnh và uy quyền của một nam nhân, làm sinh sôi nảy nở giống nòi và lòng tôn kính của người phụ nữ. Ngay từ những năm trước công nguyên, các vị vua chúa đã được tôn vinh bằng những bức tượng hay tranh chân dung với một cậu nhỏ có kích thước khổng lồ. Tại các lăng mộ chôn cất các vị vương, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những di chỉ khắc hình những dương vật vượt tầm cỡ. Các nền văn hóa La Mã và Ai Cập không hiếm những tác phẩm được khắc chạm với những dương vật khổng lồ tượng trưng cho sức mạnh. Như thần Geb, một vị thần đất được dân Ai Cập vô cùng tôn kính, khi tạ thế đã được tạc một bức tượng với dương vật vừa to vừa dài hướng thẳng lên trời trong một tư thế đầy kiêu hãnh. Dân La Mã cũng có một vị thần đất tên Priapus. Vị thần này cũng đã được tạc tượng với thân hình cuồn cuộn bắp thịt và một chiếc dương vật có kích thước khủng chĩa thẳng về phía trước.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói khúc thịt lắm chuyện của nam giới là của quý. Nó quý thật. Càng sừng sỏ càng quý. Một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh sừng sỏ này là kích thước của nó. Anh nào sở hữu thứ…vĩ đại coi như mình được tạo hóa ưu đãi. Anh nào chịu cảnh xinh xinh thường có mặc cảm. Mặc cảm tự ti thường biểu hiện thành tính hiếu thắng và hiếu chiến. Napoleon ưa chinh chiến và hiếu sát chính là vì sự thua kém của thứ được coi là hùng dũng của một nam nhi.

Nhà độc tài Hitler cũng rứa. Hitler độc tài và tàn ác như thế nào, ai cũng đã rõ. Nhưng tại sao nhân vật lịch sử khét tiếng này lại dễ sợ như vậy? Hai nhà sử học Jonathan Mayo và Emma Craigie viết trong cuốn “Hitler’s Last Day: Minute by Minute” (Ngày Cuối của Hitler: Từng Phút): “Hitler được cho là có hai dị dạng ở bộ phận sinh dục: thiếu một tinh hoàn và niệu đạo không nằm ở đầu dương vật (hypospadias)”. Hypospadias là một chứng bệnh hiếm và có nhiều mức độ. Hitler bị mức độ cao nhất, niệu đạo nằm ở cuối dương vật khiến cho bộ phận này có kích thước rất nhỏ.

Click to play video: 'Adolf Hitler had 1 testicle and a really small penis: historians'
Hitler.

Hội chứng này khiến Hitler phải đi tiểu thông qua một một lỗ nhỏ trên dương vật chứ không phải bằng đầu dương vật như các nam nhân bình thường khác. Hai khiếm khuyết nơi cậu nhỏ của nhà độc tài lớn này được cho là nguyên nhân của tính khí kỳ quái của Hitler. Ông thường xuyên nổi giận và rất sợ bị người khác coi thường. Bác sĩ Theodor Morell, bác sĩ riêng của Hitler, đã phải cho ông uống nhiều loại hormone và thuốc kích thích để cải thiện ham muốn tình dục của nhà độc tài này.

Nhà sử học người Anh Ian Kershaw viết trong một cuốn tiểu sử Hitler là nhà lãnh đạo Đức Quốc Xã gốc Áo này đã tự kiêng cữ các hoạt động tình dục vì sợ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Trong khi đó nhà viết tiểu sử người Đức Hike Gortemaker lại cho rằng nhà độc tài phát xít này có một đời sống tình dục viên mãn và một cuộc sống hạnh phúc với nhiều tình nhân. Ngay cả người tình Eva Braun, người đã cùng tự sát với Hitler vào ngày 30/4/1945, cũng đã từng chung tình với nhà độc tài.

Chuyện nhà độc tài phát xít có của quý khác thường là một thú vị cho phe  Đồng Minh trong Thế Chiến II. Họ đặt ra một bản nhạc mang tên: Hitler Has Only One Ball (Hitler chỉ có một viên bi!). Binh lính Đồng Minh rất khoái chí khi hát bài này. Thực ra đây chỉ là bài hát chế lời của bài Colonel Bogey March, tác giả của lời chế này không biết là ai. Chắc nhiều người thuộc thế hệ cùng với tôi còn nhớ cuốn phim Cầu Sông Kwai (The Bridge of River Kwai) được sản xuất vào năm 1957 với các diễn viên gạo cội Alec Guinness, William Holden, Jack Hawkins và Sessue Hayakawa. Bản nhạc của phim mà chúng ta quen gọi là bài “Cầu Sông Kwai” chính là bài Colonel Bogey March.
Bài nhạc chế Hitler Has Only One Ball có lời như sau:

Hitler has only got one ball,
Goering has two but very small,
Himmler is rather sim’lar,
But poor old Goebbels has no balls at all.

Tạm dịch: “Hitler chỉ có một bi / Goering có hai nhưng rất bé / Himmler cũng dzậy / Nhưng ông già đáng thương Goebbels lại chẳng có bi nào”. Tên các nhân vật được nhắc trong bài hát đều là các cận thần của Hitler. Theo các nhà nghiên cứu thì bản nhạc này được phổ biến vào năm 1939, khi đang có Thế Chiến II giữa Phát Xít Đức của Hitler và các nước Đồng Minh. Đây là một chiêu tuyên truyền miệt thị cái giống của các tên phát xít nhưng không chỉ trích dân Đức khi cho các nhà lãnh đạo phát xít vì khiếm khuyết tại cơ quan sinh dục nên mới nổi điên sanh ra tàn ác vô nhân tính. Đây là một kiểu tuyên truyền dìm hàng các tướng địch để nâng cao tinh thần binh lính Đồng Minh.

Trở lại với cuốn phim “Cầu Sông Kwai”. Đây là một kiệt tác của nghệ thuật thứ bảy, được coi như một tác phẩm lớn của mọi thời. Cuốn phim đã chiếm bảy giải Oscar kể cả giải Phim Hay Nhất. Bài hát này khi được lồng vào phim đã trở thành một bài hit trong giới trẻ. Ngày xưa, khi coi phim này, tôi cũng là một người trẻ. Cho tới bây giờ tôi vẫn có thể ê a rất đúng nhịp, đúng điệu bài hát. Có lẽ các bạn tôi cũng vậy. Chúng ta cứ thử hát lời bài hát trích ở trên coi. Vẫn còn rất ngon cơm. Nhưng có một chuyện hậu trường khi quay phim rất lý thú. Trong phim, bài hát được các binh sĩ Đồng Minh đồng ca khi đang bị tù trong một trại giam của quân phiệt Nhật tại Miến Điện. Nhật là một đồng minh với phát xít Đức, cùng phe Trục, trong Thế Chiến II. Cảnh trong phim là cảnh các tù binh Đồng Minh được điều động làm cây cầu bắc qua sông Kwai nối giữa Bangkok và Rangoon. Trong kịch bản đầu tiên của đạo diễn David Lean, các tù binh sẽ hát với lời của bản Hitler Has Only One Ball để diễn tả sự chống đối của tù binh. Nhưng bà vợ góa của tác giả bài chính gốc Colonel Bogey March phản đối, không muốn cho hát lời chế của bản nhạc trong cuốn phim. Cuối cùng mọi người đồng ý không hát lời trong phim. Các tù binh chỉ huýt sáo điệu nhạc, ai muốn hiểu lời nào tùy ý! Khi coi phim, tôi lại khoái cảnh huýt sáo này, nghe vừa hào hùng của nhịp quân hành vừa như cất giấu nỗi ẩn ức trong lòng các thân phận tù đầy. Sau này, khi bị nhốt trong trại tù cải tạo của cộng sản, những lúc muốn bày tỏ nỗi căm phẫn, chúng tôi cũng huýt sáo bài này. Nghe thấy một người huýt, lập tức mọi người bắt theo. Người nào cũng nước mắt lưng tròng.

Chuyện mấy anh chim nhỏ ác lớn tưởng đã chấm dứt với cái chết của Hitler vào ngày 30/4/1945, ai ngờ 77 năm sau, trong thời đại văn minh, lại đẻ ra một anh khốn lịn khác, anh Vladimir Putin. Anh này gốc KGB, tàn ác số một. Khi không, thế giới đang yên bình, anh lại ào ạt mang quân sang tấn công nước láng giềng nhỏ bé Ukraine. Máy bay, xe tăng, phi pháo đủ mọi cỡ được anh dùng hết với quyết tâm làm cỏ Ukraine, bắt quy hàng trong ba ngày. Ba ngày mơ ước đó không bao giờ tới, anh nổi điên ra tay tàn sát. Quân Nga pháo kích vào khu dân cư, bệnh viện, nhà thờ giết hại không biết bao nhiêu dân lành trong đó có nhiều trẻ em. Bù lại lính Nga chết như rạ, máy bay, xe tăng và các chiến cụ khác phơi thây trên chiến trường cũng lắm. Putin điên tiết bỏ bom, pháo kích vô tội vạ, gần như muốn san bằng đất nước có nhiều di tích văn hóa và lịch sử quý giá. Nhìn cảnh dân Ukraine dùng bao cát quây bảo vệ những tượng đài trên các quảng trường mà xót xa cho nền văn minh của nhân loại. Con người không tim Putin bị hầu như toàn thế giới nghỉ chơi, cấm vận, bị tonton Mỹ Biden gọi là tên đồ tể, tội phạm chiến tranh, và kẻ thù của nhân loại.

https://www.theshovel.com.au/wp-content/uploads/2022/02/putin-no-shirt-620x349.jpeg
Vladimir Putin

Putin là một người ưa phô trương sức mạnh. Những tấm hình ông cởi trần đi bơi, đi săn hoặc phô trương võ nghệ được phổ biến rộng rãi có phải để che giấu một thứ mặc cảm nào không? Tâm lý gia Jenifer Higgins lý giải: “Thông thường một người trung niên có của quý nhỏ chỉ mua một chiếc xe xịn Ferrari hoặc khởi sự một cuộc du lịch không gian. Nhưng khi người đó có trong tay một đội quân thuộc hàng lớn nhất thế giới, vấn đề sẽ khác hơn”. Và bà khôi hài đề nghị quân NATO đột nhập vào Nga, ghép dương vật khác cho Putin. Bà viết: “Đó có lẽ là phương cách nhanh nhất để chấm dứt chiến tranh!”. Nhà văn nổi tiếng người Pháp Frederic Begbeder hô hào: “Các bạn Ukraine thân mến! Ba ngày trước đây, tôi nghĩ Zelensky (Tổng thống Ukraine) là một anh hề, nhưng nay tôi biết ông có cặp bi lớn nhất thế giới. Và Vladimir Putin không chỉ là một tên điếm đàng mà còn là một tên chết nhát và lố bịch. Ông ta có một dương vật rất, rất nhỏ, một con chim rất rất nhỏ!”.

1
Biếm họa Putin.

Chuyện thuộc về lịch sử luôn cần sự tìm tòi nghiên cứu thêm. Không biết chuyện chim nhỏ của các “đồ tể” có bao nhiêu phần chính xác nhưng tôi khoái hướng nghiên cứu này. Hóa ra những chuyện lớn tày trời của nhân loại lại có nguyên do từ những cái rất nhỏ.

04/2022